Tổng hợp tuyệt chiêu nuôi cá bảy màu đẹp sinh sản tốt

Tổng hợp tuyệt chiêu nuôi cá bảy màu đẹp sinh sản tốt. Thực tế, cá bảy màu có rất nhiều dòng với tên gọi khác nhau. Đa phần dựa trên màu sắc hay loại vây và hoa văn trên cơ thể. Một số anh em có kinh nghiệm còn lai tạo được những dòng cá bảy màu mới. Những em này lại có điểm đặc trưng riêng mà chưa từng có ở những dòng cá trước đó. Cacanhmini.com chia sẻ với anh em những dòng cá bảy màu độc đáo. Ngoài ra cũng chia sẻ với anh em những tuyệt chiêu nuôi cá bảy màu khỏe mạnh, sống lâu và sinh sản tốt. Cùng tham khảo ngay.

 


phan-biet-ca-bay-mau-duc-va-cai-1
Tổng hợp tuyệt chiêu nuôi cá bảy màu đẹp sinh sản tốt

Thông tin cho anh em về cá bảy màu

Cá bảy màu vốn có tên Guppy hay Milions fish, là một loài cá phổ biến trên thế giới. Đặc biệt khi ở Việt Nam, chúng được người dân mình gọi với tên là cá bảy màu. Loài cá này cũng khá dễ nuôi, dễ thích nghi với môi trường xung quanh.

Đặc điểm của chúng là con đực thường có kích thước nhỏ con con cái. Cá bảy màu đực khi trưởng thành có kích thước từ 3 đến 3,5cm. Cá bảy màu cái sẽ có kích thước nhỉnh hơn một chút, tầm từ 4 đến 6cm. Chu kỳ sinh sản của cá bảy màu cái cũng khá ngắn. Nên nếu bạn không thực hiện kế hoạch hóa gia đình thì bọn chúng sẽ nhân số lượng lên rất nhanh đấy.

Một em cá bảy màu có tuổi thọ trung bình từ 1 đến 2 năm. Tuy nhiên, trong điều kiện sống tốt, cá khỏe có thể sống đến 3 năm. Trên thực tế thì anh em nào nuôi em cá bảy màu có tuổi thọ 1 năm đã coi là đã thành công lắm rồi.

Thức ăn chủ yếu của loài cá này là các loại sinh vật nhỏ hoặc rong rêu. Bên cạnh đó, với điều kiện nuôi như hiện nay, anh em có thể cho cá bảy màu ăn các loại thức ăn nhỏ dạng viên.

ca-bay-mau-1
Thông tin cho anh em về cá bảy màu

Các dòng cá bảy màu hot nhất hiện nay

 

Cá bảy màu Full Gold

Cá bảy màu Full Gold với vẻ đẹp toàn thân óng ánh sắc vàng chóe.

 

 

Cá bảy màu Full Red

Cá bảy màu Full Red toàn thân là một màu đỏ rực. Màu sắc tươi tắn và cực kỳ bắt mắt.

 

 

Cá bảy màu Full Black

Cá bảy màu Full Black sở hữu vẻ ngoài toàn thân đen tuyền. Hiện đang được rất nhiều anh em ưa thích hiện nay.

 

 

Cá bảy màu Koi đỏ

Cá bảy màu Koi đỏ là sự kết hợp giữa màu trắng và đỏ. Đặc biệt vây và đuôi của cá đều có màu chủ đạo là màu đỏ rực rỡ.

 

 

Cá bảy màu Koi đen

Cá bảy màu Koi đen cực kỳ đẹp mắt và cuốn hút. Với toàn bộ thân hình màu đen. Còn vây và đuôi là màu đỏ.

 

 


ca-bay-mau-blue-grass
Cá bảy màu Blue Grass

Cá bảy màu rồng đỏ

Cá bảy màu rồng đỏ thì khỏi nói rồi. Xinh đẹp và có phần mạnh mẽ. Với phần đuôi và vây lưng màu đỏ đi kèm là hoa văn độc đáo.

 

 

Cá bảy màu Dumbo Red

Cá bảy màu Dumbo Red sở hữu vây lưng và đuôi màu đỏ. Đuôi xòe ra như hình cánh quạt. Trong khi đó phần thân trên lại có màu tím pha xanh.

 

 

Cá bảy màu Full Platium

Em cá bảy màu Full Platium này sở hữu thân hình màu vàng nhạt, kết hợp cùng phần đuôi và vây màu trắng. Trông rất đẹp và lạ.

 

 

Cá bảy màu Blue Grass

Ở dòng Cá bảy màu Blue Grass, đẹp nhất là phần đuôi và vây lưng có màu xanh dương. Và điểm nhấn là hoa văn chấm bi ấn tượng.

Cá bảy màu Full Gold

Cá bảy màu Full Gold hiện đang là dòng Guppy hot nhất Việt Nam năm 2020. Dù mới chỉ xuất hiện trong vòng một năm nay nhưng đây lại là dòng guppy nổi bật và được rất nhiều anh em trong hội mê guppy săn lùng. Bể cá nhà bạn sẽ trông như toàn là vàng 4 số 9 thôi khi có bầy cá bảy màu full gold. Toàn thân các em ấy đều là màu vàng ánh kim. vảy và đuôi cũng có màu vàng. Đặc biệt khi trưởng thành, tay bơi cũng màu vàng luôn.

 


ca-bay-mau-full-gold-1
Cá bảy màu Full Gold

Đây là loại cá có nguồn gốc và xuất xứ từ Thái Lan. Bản tính vốn dĩ hiền này. Cá bảy màu cũng khá dễ nuôi, dễ thích nghi, khỏe mạnh và không kén người chơi. Cá Cảnh Mini sẽ hướng dẫn các anh em phân biệt các dòng cá full gold. Anh em có thể dựa vào đây để lựa chọn được dòng cá bảy màu full gold ưng ý.

 

  • Phân biệt theo kiểu vây thường có 2 dòng chính là full gold thường và full gold ribbon. Dòng full gold ribbon sở hữu vây hậu môn dài, trông đẹp hơn nhưng lại khó sinh sản hơn dòng cá full gold thường.
  • Phân biệt theo màu sắc thân thường có dòng full gold có thịt đen và dòng full gold có thịt vàng. Xét về màu vàng sáng nổi bật thì dòng full gold thịt vàng sẽ có màu đẹp hơn là dòng full gold thịt đen.

Cá bảy màu rừng Endler

Cá bảy màu rừng Endlers tên khoa học là Poecilia wingei, còn gọi là cá Mây Chiều. Xuất xứ từ vùng đông bắc Venezuela, trong đầm phá ven biển với nước ấm rất cứng và nồng độ tảo cao. Đây là loài cá nhỏ nhắn nhưng lại có màu sắc rất độc đáo và đa dạng. Dường như chúng mang nét đẹp hoang sơ và quyến rũ của thiên nhiên.

ca-bay-mau-endler-6
Cá bảy màu rừng Endler

Cá bảy màu rừng Endler thường có hai loại là Red Endler Guppy với màu đỏ kiêu kỳ pha trộn màu xanh lá cây. Còn Tiger Endler Guppy thì lại sở hữu màu vàng kết hợp màu xanh lam. Đuôi của cá bảy màu rừng Endler thường có kích thước nhỏ hơn. Phần lớn là đuôi kiếm và không xòe rộng như ở các dòng guppy khác. Bên cạnh đó, các em này cũng rất khỏe mạnh, dễ nuôi, khả năng thích nghi với môi trường cao và cũng rất hoạt bát.

Kinh nghiệm thực tế khi nuôi cá bảy màu

Theo Ca canh mini, kinh nghiệm đầu tiên và cũng là kinh nghiệm quan trọng nhất khi nuôi cá bảy màu. Đó chính là việc xử lý nguồn nước. Thường thì anh em sẽ sử dụng nước máy hoặc nước giếng để nuôi cá bảy màu. Nhưng anh em đã biết cách xử lý nguồn nước cho phù hợp nhất với cá bảy màu chưa?

Dùng nước máy nuôi cá bảy màu

Nước máy thì có ưu điểm là đã được các nhà máy nước xử lý trước nên nhìn chung là tương đối ổn định. Tuy nhiên, anh em cần để nước ra ngoài hoặc cho sủi oxy trong khoảng 2 ngày. Mục đích của việc này là để khử bay hết clo trong nước. Như vậy, nguồn nước anh em sử dụng sẽ phù hợp với cá bảy màu hơn.

Ngoài ra, nếu được anh em nên set up một chỗ để chứa nước dự trữ, phòng khi thay nước cho cá bảy màu. Hoặc dùng trong trường hợp khẩn cấp.

 

 

Dùng nước giếng nuôi cá bảy màu

Trường hợp anh em dùng nước giếng. Trước hết, hãy kiểm tra xem nước giếng ở nhà có bị nhiễm phèn hay không. Anh em có thể nhận biết nước bị nhiễm phèn qua các dấu hiệu như: Nước có vị chua nhẹ, dễ khiến quần áo bị ố vàng khi giặt. Một số thiết bị sử dụng nước lâu ngày dễ bị hoen ố. Nếu nước nhiễm phèn ở nồng độ cao sẽ có mùi tanh tanh khó chịu. Lưu ý là không sử dụng nước bị nhiễm phèn để nuôi cá bảy màu.

Trường hợp nước giếng không bị nhiễm phèn, thường sẽ có độ PH và nồng độ oxy trong nước khá thấp. Do đó, bạn có thể bật máy sủi oxy trong vòng 2 ngày. Mục đích là để tăng độ PH ở mức ổn định và tăng nồng độ oxy có trong nước. Như vậy, nguồn nước sẽ tương đối dễ chịu với cá bảy màu.

 

 


ca-bay-mau-endler-2
Tổng hợp tuyệt chiêu nuôi cá bảy màu đẹp sinh sản tốt

Nuôi cá bảy màu trong hồ nào?

Bạn có thể nuôi cá bảy màu trong nhiều loại hồ khác nhau. Đẹp nhất thì phải nói đến hồ kính hình vuông hay hình chữ nhật, có chất liệu trong suốt nên chủ nuôi tha hồ ngắm. Ngoài ra có thể dùng những bể tròn xinh xinh để bàn. Từ những bể có kích thước nhỏ cho đến những bể hiện đại được trang bị cả máy lọc và đèn chiếu sáng bắt mắt được bán trên thị trường. Tham khảo thêm Những mẫu bể cá cảnh nhỏ đẹp để bàn đầy sáng tạo tại đây.

Tiết kiệm hơn, anh em có thể sử dụng ngay những chậu hoặc khay nhựa hay thậm chí là thùng xốp… Những vật dụng này đều có thể nuôi được cá bảy màu. Chậu và khay nhựa thường được anh em tận dụng làm bể cá đẻ.

Thùng xốp thì cũng rất được anh em nhà nghề ưa chuộng vì khả năng cách nhiệt tốt. Do cá bảy màu cũng khá nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường. Nhất là những lúc thời tiết trở lạnh hoặc vào những ngày mưa bão… Thùng xốp cách nhiệt tốt lại có giá thành rẻ, nên được kha khá anh em ưa chuộng để nuôi cá bảy màu.

Ngoài ra, một số anh em có sân vườn rộng. Thì có thể tận dụng khoảng không gian trước nhà làm hồ xi măng để nuôi cá bảy màu.

 

 

Nuôi cá bảy màu trong môi trường tự nhiên

Một anh nuôi cá bảy màu nhiều năm chia sẻ với Ca canh mini cách nuôi cá bảy màu trong môi trường tự nhiên. Cách này Ad cũng chưa thử nhưng cũng đã kịp tổng hợp lại và chia sẻ với các bạn.

Khi nuôi cá bảy màu trong môi trường tự nhiên. Không cần phải hồ kính hay hồ xi măng mà lấy một phần đất ruộng. Rồi đắp thành những ô vuông nhỏ, để chứa nước nuôi cá. Nguồn nước sử dụng cũng là nước tự nhiên hoặc nước do trời mưa.

Theo anh, những dòng cá bảy màu anh nuôi thường thích hợp với môi trường có độ PH cao một chút. Thêm vào đó là môi trường nước cần có tảo sinh sôi.

Đặc biệt là cần lưu ý đến điều kiện thời tiết có thể ảnh hưởng đến cá bảy màu. Trường hợp trời nắng nhiều khiến tảo sinh sôi và phát triển quá mức thì cá bảy màu khả năng cao sẽ bị ngộ độc tảo hoặc bị thiếu oxy… Còn khi trời mưa nhiều thì sẽ làm giảm độ PH trong nước. Cá bảy màu thường sẽ bị túm, bị lắc hoặc bị nấm…

Để chữa trị những bệnh cá bảy màu bị túm, cá bảy màu bị nấm, cá bảy màu bị lắc… và các bệnh thường gặp khác. Bạn hãy tham khảo ngay Những bệnh thường gặp ở cá bảy màu và cách chữa trị.

 

 


ca-bay-mau-endler-8
v

Trồng cây thủy sinh nào trong hồ cá bảy màu?

Cá bảy màu sẽ thích hợp với loại cây thủy sinh nào, anh em đã xem xét đến chưa? Hay nói cách khác, trồng cây thủy sinh nào trong bể cá sẽ phù hợp và ổn nhất với cá bảy màu?

Nhìn chung, các loại cây thủy sinh giúp ổn định tính axit trong nước và tạo môi trường trú ẩn và sinh sản sẽ phù hợp với cá bảy màu. Cacanhmini.com đề xuất với 500 anh em một số cây thủy sinh dưới đây là lựa chọn khá tuyệt để trồng trong bể cá bảy màu.

 

Rong đuôi chồn, rong đuôi chó

Nhờ có vẻ ngoài xanh mướt, mềm mại cuốn hút mà cây rong này rất được lòng các anh em chơi thủy sinh. Hơn nữa, chúng cũng có ưu điểm là dễ trồng, dễ phát triển, tạo vẻ sinh động và tự nhiên cho hồ thủy sinh. Biến hồ thủy sinh của các anh em dường như trở thành một khu rừng xanh mát mắt. Xem chi tiết Cách trồng và chăm sóc rong đuôi chồn rong đuôi chó.

 

Rong La Hán xanh

Rong La Hán là cây rong thủy sinh đẹp và rất dễ trồng. Anh em có thể thả trôi chúng trên bề mặt nước. Hoặc cắm xuống nền đất dưới dáy bể. Hoặc có thể cột cố định vào hòn đá và sáng tạo theo ý thích. Xem chi tiết Rong La Hán xanh rong thủy sinh đẹp dễ trồng.

 

Cây Cỏ Nhật

Mặc dù cây Cỏ Nhật là cây thủy sinh nhỏ nhưng lại có tốc độ sinh trưởng nhanh. Chúng thích hợp trồng trong các bể thủy sinh có thể tích nhỏ. Đặc điểm là phần thân dài, lá rậm rạp, rễ cây mọc nhanh. Xem chi tiết Cách trồng cây Cỏ Nhật xanh tươi trong bể thủy sinh.

 

 

Rêu Java

Một trong những loại rêu thủy sinh được anh em ưa chuộng nhất chính là rêu Java. Rêu này còn được gọi là rêu cá đẻ, Java Moss. Rêu Java không chỉ làm đẹp cho bể thủy sinh. Lại còn rất dễ trồng, nhanh phát triển và giá thành bao rẻ. Anh em không cần phải tốn quá nhiều chi phí hay công sức để chăm sóc loại rêu cá đẻ này. Xem chi tiết Cách trồng rêu Java rêu thủy sinh được ưa chuộng nhất.

 

Cây Trân Châu Cuba

Cây Trân Châu Cuba có kích thước rất nhỏ. Chiều cao khoảng 1cm và chiều rộng chỉ khoảng 0,5 đến 3cm. Lá có kích cỡ mm. Thích hợp trồng ở vị trí tiền cảnh trong các bể thủy sinh nhỏ. Ngoài ra, nếu được buộc vào đá nhỏ với khoảng cách chỉ vài cm thì loại cây thủy sinh này sẽ phát triển nhanh. Bao phủ toàn bộ bể chỉ với một thảm màu xanh miên man. Xem chi tiết Cây thủy sinh Trân Châu Cuba trải nền cực đẹp.

Kinh nghiệm phân biệt cá bảy màu đực và cái

Dựa trên màu sắc của cá bảy màu

Về màu sắc, cá bảy màu đực có màu sắc nổi bật và sặc sỡ hơn so với cá bảy màu cái. Màu sắc hoặc hoa văn thường bao phủ toàn thân, kể cả vây và đuôi.

Ở cá bảy màu cái, màu sắc trên cơ thể thường có ít màu hơn. Thậm chí có những em cá cái còn không có màu hoặc màu sắc không rõ ràng. Vây và đuôi ở cá bảy màu cái cũng có thể có màu nhưng thường mờ nhạt và không nổi bật như cá bảy màu đực.

 

 


phan-biet-ca-bay-mau-duc-va-cai-3
Kinh nghiệm phân biệt cá bảy màu đực và cái

Dựa trên hình dáng và kích thước cơ thể

Đa phần những chú cá bảy màu đực đều có cơ thể thon gọn và nhỏ hơn cá bảy màu cái. Khi trưởng thành cá bảy màu đực có thể đạt đến kích thước khoảng 3 đến 3,5cm. Đặc biệt chúng có bản tính hiếu động và thích di chuyển thường xuyên hơn cá cái.

Những cô nàng cá bảy màu cái lại có kích thước cơ thể lớn hơn. Đặc biệt là bụng cá cái có phần to tròn hơn so với cá đực. Khi trưởng thành cá bảy màu cái có thể đạt đến kích thước khoảng từ 4 đến 6cm.

 

 

Quan sát vây, đuôi ở cá bảy màu đực và cái

Cá bảy màu đực có vây lưng dài. Khi bơi vây lưng khá đẹp và uyển chuyển trong nước. Cá bảy màu cái lại có vây lưng ngắn hơn và không thu hút như ở cá bảy màu đực.

Tương tự như vây, đuôi ở cá bảy màu đực và cái cũng có sự khác biệt. Cá đực có đuôi dài, rộng đi kèm hoa văn và màu sắc sặc sỡ. Cá cái lại có đuôi ngắn, không rộng và dài như ở cá đực.

Ngoài ra, còn một đặc điểm nữa để giúp anh em phân biệt cá bảy màu đực và cái. Vây hậu môn ở cá bảy màu đực thường dài, hẹp và có phần hơi nhọn. Vây này sẽ làm nhiệm vụ đưa tinh trùng của cá đực và bên trong cá cái.

Ở cá bảy màu cái, vây hậu môn lại rộng hơn và trông giống như hình tam giác. Đồng thời, khi quan sát kỹ, anh em sẽ thấy cá cái thường có chấm mang thai nằm ngay trên vây hậu môn.

Tổng hợp tuyệt chiêu nuôi cá bảy màu đẹp sinh sản tốt

Bạn cần biết chu kỳ sinh sản của cá bảy màu

Điều đầu tiên và quan trọng nhất là bạn phải nắm rõ chu kỳ sinh sản và hình thức sinh sản của cá bảy màu. Thời kỳ mang thai của cá mẹ vào khoảng 26 đến 31 ngày, trung bình khoảng 28 ngày. Ngoài ra, cá bảy màu cũng là một trong số ít loài cá sinh sản theo hình thức noãn thai sinh.

Giải thích rõ hơn về hình thức noãn thai sinh. Tức là trứng sau khi được thụ tinh trong cơ thể cá bảy màu mẹ vẫn nằm lại trong ống dẫn trứng. Và phôi sẽ lấy chất dinh dưỡng từ noãn hoàng của trứng. Chứ không lấy chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ như một số loài khác. Cá bảy màu mẹ có thể đẻ từ 2 đến 200 cá con/lần sinh nở. Tuy nhiên, thông thường chỉ khoảng từ 5 đến 30 con.

 

Một điều cần lưu ý là cá bảy màu thường đẻ vào ban đêm và lúc sáng sớm. Do đó, nếu không tinh tế phát hiện ra, thì có thể anh em sẽ bỏ lỡ việc chứng kiến tận mắt cá bảy màu đẻ con. Mấy bạn mới chơi cá bảy màu cũng chia sẻ với mình là thực sự cảm thấy rất vui. Và có điều gì đó đặc biệt khi những em cá bảy màu nhỏ bé của các anh em lại đẻ ra cho các anh em thêm một đám cá nhỏ bé nữa. Ahihi 🙂

 


thuc-an-cho-ca-bay-mau-con-avt
Tổng hợp tuyệt chiêu nuôi cá bảy màu đẹp sinh sản tốt

Dấu hiệu cá bảy màu sắp đẻ

Dưới đây là các dấu hiệu cho thấy cá bảy màu của các anh em sắp đẻ. Tùy từng em cá của các anh em, có thể chỉ xuất hiện một hoặc hai dấu hiệu, hoặc có tất cả dấu hiệu này.

 

 

  • Khi dành thời gian quan sát cá bảy màu hàng ngày, để ý kỹ có thể anh em sẽ phát hiện ra chuyện cá đực thường xuyên đuổi theo cá cái. Thậm chí là liên tục trong ngày.

 

  • Bụng cá cái rất to. Sau khi được thụ tinh thì sẽ xuất hiện một vùng sẫm màu gần hậu môn, gọi là các đốm thai. Đốm thai có thể chuyển sang màu đen đậm hoặc màu nâu sẫm.

 

  • Hình dáng bụng cá cái hơi vuông về phía phần đuôi, tựa như hình vuông của các hộp các-tông, thay vì tròn.

 

  • Cá cái có vẻ lờ đờ hơn thường ngày. Nó tách biệt hẳn với bầy đàn. Chỉ quanh quẩn ở một góc trong hồ.

 

  • Một số em cá cái sắp đẻ lạ bỏ ăn, chán ăn hoặc nhả thức ăn ra.

 

Làm gì khi cá bảy màu sắp đẻ

Khi nhận thấy cá bảy màu cái có những dấu hiệu như trên, anh em cần:

 

 

  • Vớt cá cái ra một hồ nhỏ để nuôi riêng. Cho cá cái môi trường yên tĩnh và thoải mái để sinh nở.

 

  • Thêm vào hồ riêng của cá bảy màu cái một vài lá rong đuôi chó. Rong là nơi ẩn nấp an toàn của cá bảy màu bột. Và cũng là nguồn thức ăn đầu tiên của tụi nhỏ.

 

  • Để đẻ hết một lứa, cá bảy màu mẹ sẽ mất vài tiếng đồng hồ. Phần lớn cá con sẽ chui đầu ra trước. Khi cá mẹ đẻ xong, bạn có thể vớt cá mẹ ra riêng để tịnh dưỡng cho cá mẹ. Sau khoảng vài ngày có thể cho cá mẹ về hồ ban đầu, nuôi chung cùng đàn để chuẩn bị cho lứa đẻ mới.

 

  • Cá bảy màu bột lúc mới đẻ chỉ dài khoảng 5mm, ẩn nấp trong các lá rong. Đặc biệt chúng có kỹ năng bơi lội, ăn, tránh nguy hiểm, khả năng thích nghi với môi trường rất cao.

 

  • Thức ăn phù hợp nhất cho các bảy màu bột là giun, trùn cám cắt nhỏ… À nếu anh em không có nhiều thời gian để chuẩn bị, mình bày cách cho anh em như sau. Lấy ngay thức ăn dạng viên đang cho cá bảy màu trưởng thành ăn, bỏ vào bọc ni lông rồi giã nhuyễn thành bột mịn. Khi cho cá bột ăn, anh em dùng chiếc tăm bông nhúng vào bột mịn rồi nhúng vào nước.

 

 

  • Lưu ý là chỉ cho cá bảy màu bột ăn 2 lần/ngày. Tránh cho chúng ăn nhiều lần hoặc với lượng thức ăn quá nhiều. Tụi nó sẽ dễ bị bệnh và tỉ lệ sống sót không cao.

 


ca-bay-mau-bot-1
Cá bảy màu bột

Cá đực chết mà cá cái vẫn đẻ?

À có một ca khó đỡ từ các bạn trẻ mới nuôi cá bảy màu đây. Một bạn trẻ do không có điều kiện kinh tế chỉ nuôi 2 con cá bảy màu, 1 đực 1 cái. Tụi nó bên nhau được một thời gian thì cá đực không hiểu vì sao lăn ra chết. Sau đó, cá cái tự dưng có bầu rồi may mắn sao đẻ được khoảng hơn 20 em cá bột. Bạn trẻ ấy vui vì thu hoạch kha khá. Nhưng cũng thắc mắc vì sao cá đực đã về với ông bà rồi mà cá cái còn đẻ được, ai thụ tinh cho cá cái đây?

Trả lời cho câu hỏi này. Thực chất cá bảy màu có khả năng lưu trữ tinh trùng ở một khoang chuyên dụng trong buồng trứng. Và nuôi dưỡng tinh trùng bằng một lượng đường nhỏ cho đến khi thụ tinh cho trứng. Thế nên chỉ cần một lần cặp đôi với cá đực, cá cái sẽ lưu trữ tinh trùng và có thể sinh sản nhiều lần sau đó. :)) Dù sao thì cũng chúc mừng bạn trẻ mới chơi cá bảy màu lần đầu mà đã có thành công đáng kể nhe! Like (y)

Cách nuôi và chuẩn bị thức ăn cho cá bảy màu con

Cá bảy màu thực chất là loại cá ăn tạp. Chúng có thể ăn được cả các loại sâu bọ nhỏ như giun, sâu cắt nhỏ, bo bo đông lạnh, trứng tôm, trứng tép… Tuy nhiên, thức ăn cho cá bảy màu con có chút khác biệt so với cá bảy màu trưởng thành.

Đặc điểm của cá bảy màu bột

Cá bảy màu có thể tự giao phối và sinh sản. Cá bảy màu cái có thể đẻ từ 20 đến 100 con/lần. Một số em cá bảy màu cái khỏe có thể đẻ đến 200 con/lần, tuy nhiên, số này là rất ít. Anh em chỉ cần nuôi vài cặp cá giống ban đầu và cho chúng ăn hàng ngày. Cá bảy màu có thể gia tăng số lượng hàng tháng khiến anh em chóng mặt và khó kiểm soát được số lượng.

Cá bảy màu có tập tính đẻ con chứ không đẻ trứng. Cá bảy màu bột lúc mới đẻ dài khoảng 5mm. Chúng cũng khá khỏe và có khả năng thích nghi cao. Có thể tự bơi được khi vừa sinh ra. Và tự kiếm ăn được chỉ sau 1 đến 2 ngày.

Tuy nhiên, cá bảy màu bột ban đầu có thể kén ăn một chút. Do đó, chủ nuôi nên ấp trứng Artemia hoặc cho cá bảy màu bột ăn bo bo để bổ sung dinh dưỡng. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho chúng ăn kết hợp từ 2 đến 3 loại thức ăn khác nhau. Điều này sẽ giúp kích thích cá bảy màu bột ăn nhiều hơn. Mà cũng cung cấp đủ lượng dinh dưỡng cần thiết, giúp cá bột lớn nhanh và khỏe mạnh hơn.

Xem thêm: Cá bảy màu và những điều thú vị khiến bạn bất ngờ

 

 


ca-bay-mau-bot-2
Tổng hợp tuyệt chiêu nuôi cá bảy màu đẹp sinh sản tốt

Các giai đoạn phát triển ở cá bảy màu bột

Trong giai đoạn cá bảy màu bột mới đẻ đến khoảng hai tháng tuổi. Thời gian này nên tích cực cho cá bảy màu ăn nhiều khoảng 2 lần/ngày với lượng vừa đủ, hạn chế thức ăn thừa.

Giai đoạn từ hai tháng tuổi trở đi, chủ nuôi có thể tăng các loại thức ăn có nhiều chất xơ, ít đạm và chất béo để cá bảy màu khỏe mạnh và lên màu đẹp hơn.

Trong bể cá bảy màu bột có thể trồng thêm một ít cây thủy sinh, rong thủy sinh… Đồng thời, lắp máy sủi oxy ở mức độ vừa phải để làm tăng lượng oxy trong nước, giúp cá con phát triển tốt và nhanh chóng, giảm tỉ lệ cá chết…

Dưới đây là một số thức ăn rất phù hợp với cá bảy màu bột. Anh em có thể tham khảo ngay những loại thức ăn này để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cá bảy màu con nhé.

Xem thêm: Kinh nghiệm thực tế khi nuôi cá bảy màu

 

 

Các loại thức ăn cho cá bảy màu con

 

Ấu trùng Artemia

Ấu trùng Artemia là chính là thức ăn phù hợp nhất cho cá bảy màu con. Món này chứa nhiều chất dinh dưỡng, giúp những em cá bảy màu baby phát triển khỏe mạnh và tốt nhất.

Cách làm ấu trùng Artemia cho cá bảy màu bột cũng khá đơn giản. Bạn có thể mua trứng về ấp trong nước muối. Sau 24 giờ, anh em sẽ thu được một lượng ấu trùng Artemia cho bọn cá bảy màu con đánh chén. 🙂

 

 

Lòng đỏ trứng phơi khô

Để làm lòng đỏ trứng phơi khô, anh em sử dụng trứng gà, trứng vịt hay trứng cút đều được nhé! Nhưng chỉ lấy lòng đỏ và bỏ lòng trắng trứng. Lý do là vì hàm lượng dinh dưỡng của lòng đỏ trứng cao hơn, cá dễ tiêu hóa hơn lòng trắng trứng. Lòng trắng trứng cũng có nhiều lớp chất béo có thể làm bẩn nguồn nước trong hồ. Anh em phải vệ sinh hồ nữa, cực lắm!!!

Anh em nào muốn nhanh thì cho cá 7 màu con ăn lòng đỏ trứng ngay sau khi luộc. Phơi khô là để cho đàn cá 7 màu bột ăn được lâu hơn một chút. Để tránh bị ẩm mốc, anh em nên cho vào thêm một ít muối hột, giữ cho lòng đỏ trứng lâu hơn.

 

 


au-trung-artemia-1
Ấu trùng Artemia là thức ăn cho cá bảy màu bột.

Xay nhuyễn thức ăn khô dạng viên

Nếu anh em không có nhiều thời gian để làm thức ăn cho cá bảy màu. Mình bày cách cho anh em như sau. Lấy ngay thức ăn dạng viên đang cho cá bảy màu trưởng thành ăn, bỏ vào bọc ni lông rồi giã nhuyễn thành bột mịn. Khi cho cá bột ăn, anh em dùng chiếc tăm bông nhúng vào bột mịn rồi nhúng vào nước.

 

 

Lưu ý khi cho cá bảy màu con ăn

Khi cho cá bảy màu con ăn, anh em không nên cho lượng thức ăn quá nhiều trong một lần. Thức ăn dư thừa có thể làm ô nhiễm nguồn nước, khiến cá bảy màu dễ bị mắc bệnh và tỉ lệ sống sót không cao. Tốt nhất chỉ nên cho ăn khoảng 2 lần/ngày.

Ngoài ra, lưu ý thêm về nhiệt độ nước thích hợp cho cá bảy màu con là từ 24 đến 27 độ C. Và trang trí thêm bể cá bảy màu với vài cây thủy sinh xinh đẹp. Vừa cung cấp thêm oxy cho bể cá cảnh, vừa giúp lọc sạch nguồn nước trong bể. Xem thêm Top 10 loại cây thủy sinh không cần đất nềnTop 10 vật liệu lọc nước thần kỳ cho bể cá.

Những bệnh thường gặp ở cá bảy màu và cách chữa trị

Cá bảy màu vốn là loài cá rất dễ nuôi, bản tính ôn hòa, dễ thích nghi với điều kiện sống. Thế nhưng, Cá bảy màu thỉnh thoảng cũng mắc bệnh do thời tiết thay đổi đột ngột. Hoặc xảy ra tình trạng làm chết cá hàng loạt.

Cá bảy màu bỏ ăn

 

Cá bảy màu bỏ ăn do đã ăn quá nhiều

Chủ nuôi cho quá nhiều thức ăn, cá bảy màu đã ăn no và không thể ăn được nữa. Cách tốt nhất là khi mới mua cá về, bạn nên cho ăn một lượng ít rồi điều chỉnh thích hợp theo khẩu phần của cá bảy màu. Không nên cho một lúc quá nhiều vì thức ăn thừa có thể làm ô nhiễm nguồn nước.

 

Cá bảy màu bỏ ăn do thức ăn có vấn đề

Cá bảy màu bỏ ăn có thể do nguồn thức ăn đã hư hỏng, hết hạn. Thức ăn không được bảo quản tốt, lên nấm mốc, có mùi hôi… Hoặc thức ăn tươi sống đã bị chết. Đây là những nguyên nhân khiến cá bảy màu bỏ ăn. Chủ nuôi cần kiểm tra lại nguồn thức ăn hoặc đổi thức ăn mới.

 

Không thay nước thường xuyên

Do chủ nuôi không vệ sinh bể và thay nước thường xuyên, khiến nồng độ Ammoni trong nước cao, dẫn đến cá bảy màu bỏ ăn hoặc ngộ độc. Xem xét một số dấu hiệu như cá bị hóp bụng, lượng thức ăn dư thừa nhiều hơn thường ngày. Nước trong bể bị đục, có mùi tanh…

 


ca-bay-mau-endler-5
Cá bảy màu bỏ ăn

Nhiệt độ nước trong bể không ổn định

Nhiệt độ phù hợp nhất với cá bảy màu là từ 22 đến 28 độ C. Nếu nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao có thể khiến cá hoạt động chậm, lờ đờ, bỏ ăn, không linh hoạt như thường ngày.

 

Bệnh đốm trắng ở cá bảy màu

Bệnh đốm trắng ở cá bảy màu thường xuất hiện các đốm trắng ở phía đuôi cá, tựa như các hạt muối. Sau một thời gian, những đốm này có biểu hiện sưng tấy lên, lây lan. Và còn có thể làm cho cá chết nếu người nuôi không xử lý kịp thời. Nguyên nhân gây bệnh là do ký sinh trùng gây ra.

Để chữa trị, anh em sử dụng Sulphat đồng hoặc Malachite Green, Formalin hay Methylene Blue. Tuy nhiên, trong trường hợp anh em dùng Malachite Green nên đeo găng tay và tránh ánh sáng mặt trời trong suốt quá trình điều trị.

 

 

Bệnh thối đuôi, bệnh túm đuôi, bệnh cụp đuôi ở cá bảy màu

Ở bệnh thối đuôi, túm đuôi, cụp đuôi ở cá bảy màu là do bị ô nhiễm nguồn nước. Hoặc trong một số trường hợp là do chủ nuôi thường xuyên thay nước hoặc trong nước có quá nhiều muối hột. Nếu cá bảy màu của anh em gặp phải một trong những bệnh này. Thì cách điều trị là sử dụng Tetra Nhật loại 5g, bỏ 1/20 gói vào hồ cá chứa 25 lít nước. Sau đó, ổn định nhiệt độ nước trong khoảng từ 31 đến 32 độ C. Rồi thả cá vào và một ngày sau đó, thay 1/2 nước trong hồ.

Ngày thứ 2 có thể chưa cần thay nước. Đến ngày thứ 3, tiếp tục thay 1/2 nước trong hồ và cho vào một ít muối. Khi tình trạng bệnh của cá được cải thiện, phần đuôi cá sẽ bình phục lại sau 3 ngày.

 

 

Bệnh lắc ở cá bảy màu

Khi bị các bệnh thối đuôi, bệnh túm đuôi, bệnh cụp đuôi, cá bảy màu có thể cũng mắc bệnh lắc. Biểu hiện là cá thường bơi trên mặt nước, vẩy túm và không linh hoạt. Thậm chí, khi bị bệnh lắc, cá bảy màu có thể bỏ ăn, chán ăn, ốm và chết.

Để chữa trị bệnh lắc ở cá bảy màu, anh em hãy cho vào hồ một ít muối hột. Và giữ nhiệt độ nước từ 31 đến 32 độ C. Sau đó, thay khoảng 20% phần nước trong hồ và nhỏ thêm vài giọt Tetra Nhật để cho cá mau bình phục.

 

Bệnh xù vảy ở cá bảy màu

Bệnh xù vảy ở cá bảy màu xảy ra khi lượng muối quá nhiều trong nước. Nếu bạn nuôi chung nhiều em cá bảy màu trong cùng một hồ thì nên tách những em bị bệnh ra một hồ riêng để điều trị. Đặc biệt, cần để ý lượng muối trong bể và dùng máy sủi oxy bật ở chế độ nhẹ. Ngoài ra, có thể tạm ngưng cho cá ăn trong khoảng vài ngày.

Lưu ý quan trọng là cá bảy màu bị bệnh xù vảy nếu không được chữa trị kịp thời có thể sẽ làm bệnh trầm trọng hơn. Triệu chứng như vảy cá bị ăn mòn và rụng nhiều hơn, thậm chí chết cá.

 

 

Bệnh tóp bụng ở cá bảy màu

Cá bảy màu bị tóp bụng là bệnh về đường ruột khá khó chữa. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh. Chẳng hạn như thức ăn không đủ dinh dưỡng, cá bỏ ăn. Hoặc có khi là do môi trường nước bẩn, chủ nuôi không vệ sinh và không hút phân thường xuyên. Một số triệu chứng của bệnh như cá có phần đầu to nhưng bụng lại nhỏ. Đi phân dài, có màu trắng…

Để cải thiện bệnh tóp bụng ở cá bảy màu, chủ nuôi cần thay nước, vệ sinh bể cá và vệ sinh máy lọc thường xuyên. Đồng thời, thay đổi nguồn thức ăn hàng ngày. Có thể đổi món cho cá bằng các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao. Ngoài ra, cũng có thể trộn một ít men tiêu hóa vào thức ăn, để cá bảy màu hấp thu tốt hơn.

 

Bệnh sình bụng ở cá bảy màu

Khác với triệu chứng khi cá bảy màu bị bệnh tóp bụng. Cá bảy màu bị bệnh sình bụng thì sẽ có phần bụng căng phồng và sình to lên. Nguyên nhân có thể là do cá bảy màu bị nhiễm virus, cá bảy màu bị tổn thương nội tạng, bị suy thận do chủ nuôi dùng thuốc quá mạnh hay quá liều… Những em cá bị bệnh cần được cách ly và có hướng điều trị thích hợp.

Khi có dấu hiệu cá bảy màu bị sình bụng, anh em chủ nuôi nên xác định nguyên nhân chính xác gây ra bệnh. Trong trường hợp vẩy cá bị xù lên, có thể là bệnh đã diễn biến trầm trọng. Bạn nên ngâm cá bảy màu trong nước muối và dùng thuốc chuyên trị để chữa bệnh cho cá. Các loại thuốc ngoài da có thể sẽ không có tác dụng.

 

 


kinh-nghiem-nuoi-ca-bay-mau-2
Kinh nghiệm nuôi cá bảy màu.

Bệnh stress ở cá bảy màu

Cách nhận biết bệnh stress ở cá bảy màu là cá thường tụ ở một gốc hồ. Khi bạn vỗ vào thành hồ, cá xảy ra hoảng loạn, bắn mình lên mặt nước rồi rơi xuống… Ở một số trường hợp cột sống của chúng bị cong. Cách điều trị thích hợp cho các bảy màu bị bệnh stress là dùng thuốc Tetra Nhật. Theo tỉ lệ 1g tương ứng với 200 lít nước và thay khoảng 30% phần nước trong hồ mỗi ngày.

Tóm lại, để cá bảy màu có sức khỏe tốt, sức đề kháng cao, anh em chủ nuôi nên để ý đến lượng muối trong hồ không quá nhiều. Đồng thời, nên thay nước và vệ sinh hồ thường xuyên, ít nhất 1 lần/tuần anh em. Bên cạnh đó, lời khuyên từ ca canh mini cho các anh em là nên cung cấp nguồn thức ăn bổ dưỡng cho cá bảy màu nhé!

Tác giả: Tony

Nguồn Cacanhmini.com

 

Kinh nghiệm nuôi cá siêu hay được chia sẻ trên Blog Cá Cảnh Mini:

Dân chơi cá cảnh săn lùng than tổ ong

Cá Nana là cá gì cách nuôi và chăm sóc

Cá Heo Nước Ngọt ăn gì cách nuôi cá Heo Nước Ngọt

Nghệ thuật cho cá sọc ngựa cá ngựa vằn sinh sản

Cá tam giác thả bể thủy sinh siêu đẹp

Kinh nghiệm thực tế khi nuôi cá bảy màu